Nghiên cứu khai thác năng lượng tái tạo

Một nghiên cứu về trầm tích và động vật biển tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương thuộc lãnh hải của Mỹ, các nhà khoa học nước này hy vọng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong khi hạn chế tối đa các tác động tới môi trường của những dự án phát triển năng lượng trên biển.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Continental Shelf Research (Nghiên cứu Thềm lục địa), một nhóm chuyên gia thuộc Đại học bang Oregon (OSU) đã tiến hành thu thập mẫu trầm tích từ 137 khu vực có độ sâu 76-110m và qua đó xác định được một mối tương quan chặt chẽ giữa các đặc tính của trầm tích và động vật sống tại đáy biển (chủ yếu là con trai và trùng biển).

Theo bà Sarah Henkel, một chuyên gia sinh vật biển tại Trung tâm Khoa học Biển Hatfield và cũng là người đứng đầu công trình nghiên cứu, nghiên cứu của OSU nhằm hỗ trợ cho xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên biển tại một số khu vực ngoài khơi bang Oregon, thuộc Tây Bắc Thái Bình Dương.

So với ngành công nghiệp khai thác năng lượng tái tạo trên biển có lịch sử lâu đời ở các nước châu Âu, tại Mỹ, xu hướng này vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Mới đây nhất, Mỹ đã hoàn thiện dự án năng lượng gió đầu tiên tại bang Rhode Island. 

Thông cáo báo chí của OSU cho biết nghiên cứu mới có ý nghĩa quan trọng đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo trên biển bởi nó cho phép các công ty không cần phải thu thập động vật biển khi đánh giá sự phù hợp của một địa điểm xây dựng cơ sở năng lượng tiềm năng, một quy trình vốn rất tốn kém về tiền bạc và thời gian.

Thay vào đó, các công ty này chỉ cần tiến hành phân tích lớp trầm tích và kết hợp kết quả này với các nghiên cứu của đội ngũ OSU để đưa ra các phương án hạn chế tối đa tác động tới môi trường biển.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *